Nếu ta khác đi, liệu còn ai ở lại ?
Liệu rằng một ngày ta trở thành con người khác, ta có còn được nhìn nhận là một nhân vị?
Hãy thử tưởng tượng, một ngày bạn biến thành một con người khác lạ. Không còn là bạn như đã được nhìn nhận bởi gia đình, cộng đồng. Mà dường như tính cách, tâm trí bạn đã trở nên mới mẻ và dường như không cùng tần số với những người xung quanh. Khi ấy, bạn có còn được nhìn nhận như đã từng, hay vị trí của bạn được thay đổi, không còn một ánh nhìn, cách đánh giá như thường lệ nữa? Và sự thay đổi đó theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực?
Đó là viễn cảnh được mô tả trong cuốn sách “Hóa thân” - Franz Kafka. Từ một anh chàng thanh niên trụ cột trong gia đình, bỗng một ngày biến thành một sinh vật kỳ lạ, khiến cuộc sống của anh và cả gia đình đảo lộn. Giờ đây, anh trở thành một gánh nặng, mọi người nhìn anh không còn là người như xưa nữa, mà nhìn anh là một sinh vật vô ích. Nhưng trong lòng cha mẹ, em gái, họ vẫn coi anh là một thành viên và tỏ lòng thương xót anh, mặc dù cách hành động của họ ngày càng lạnh nhạt.
Anh vốn được nhìn nhận là người nhanh nhẹn, được việc. Nhưng đột nhiên một biến cố xảy đến, tước mất những gì anh có. Giờ đây, anh không làm được gì, trở nên vô ích trong chính nơi mà anh đã từng đóng góp. Thân phận bất lực ấy khiến anh càng ngày càng tiêu cực, nhưng anh vẫn hy vọng sống, bởi tình thương mà em gái chăm sóc cho anh, bố mẹ tỏ bày cho anh. Khiến anh cảm nhận rằng anh vẫn là một con người.
Nhưng theo thời gian, cái nhìn về anh ngày càng tiêu cực, tình yêu thương dành cho anh ngày càng thu hẹp, cũng thế, anh ngày càng thu mình, sầu não hơn trước. Mọi người không còn chấp nhận thân phận yếu hèn của anh, thậm chí coi anh là phiền toái, cần loại bỏ. Cứ thế, cái vô cảm càng thắng thế, cái tình người càng cạn kiệt.
Đến một lúc, thân phận anh không còn chịu đựng nổi và phải tự ra đi, giải thoát khỏi thân phận yếu hèn và nỗi đau đớn trong tinh thần phải chịu đựng.
Chúng ta cũng thế, đôi khi chúng ta thay đổi cách nhìn 180 độ khi một người thân cận không còn có giá trị, hay họ gặp một biến cố nào đó. Trước đây, ta với người ấy thân thiết, chia sẻ cho nhau những câu chuyện, tưởng chừng mối tình thân vững bền.
Thế nhưng, những biến cố, thử thách xảy đến, khiến bản thân mình, hay người kia thay đổi quan điểm, lối sống. Ở điểm này, ta có còn giữ được mối liên kết và tình thương với nhau. Hay nguyên cớ đó giúp ta dễ dàng rời bỏ mối quan hệ ?
Sau cùng, chỉ tình yêu thương ở lại. Cho dù lối sống, quan điểm có khác biệt, nhưng nhờ cái nhìn bao dung, thông cảm và đồng hành là mối liên kết còn mãi giữa người với người.
Liệu rằng, một ngày nào đó, ta thay đổi, người thân cận nhìn nhận ta thế nào? Họ có hiểu và chia sẻ với ta những nỗi niềm ẩn sâu ? Hay họ quay mặt tránh xa, bởi ta kỳ dị và không còn giá trị.
Cái mà họ thấy kỳ dị, khác biệt ấy, có là sự ngăn cách phân biệt khiến ta và họ rời xa nhau trong im lặng. Hay bởi khác biệt, khiến ta tôn trọng và mở lòng trước giá trị độc đáo và nhân vị nơi họ? Không phải đồng hóa, mà là tìm cách hiểu và chia sẻ cùng nhau. Qua đó thể hiện tình yêu thương đích thực nơi chính bản thể, chứ không phải hình thức bên ngoài?
Chúng ta nhiều khi sẵn sàng lên án, cô lập, phân biệt đối xử người khác, do bởi tư duy nhị nguyên. Cái định kiến ấy khiến ta chỉ quanh quẩn yêu chính mình theo nghĩa quy hướng vào bên trong, mà không chạm đến được tình yêu thương thật sự, là yêu thương nhân vị và đối thoại trong tinh thần với người khác.
Chỉ khi vượt qua những lề thói yêu thương bề ngoài như bởi cùng quan điểm, cùng mục tiêu, cùng bối cảnh, vv... Ta mới khám phá ra tầng ý nghĩa thật của chữ “yêu thương”. Đó là yêu thương bởi chính bạn là bạn - độc đáo và là một nhân vị duy nhất.